Tây du ký

Cập nhật 15:48 | 26/06/2017

Tây du ký - bộ phim truyền hình "kinh điển" của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Mỗi hình ảnh, mỗi giai điệu, mỗi câu chuyện của phim đều gợi nhớ những ký ức, những kỉ niệm không quên một thời thơ ấu...
Tây du ký là một trong những tác phẩm kinh điển trong lịch sử phim truyền hình Trung Quốc, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân, được viết trong những năm 1590. Bộ phim khắc họa chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) để lấy kinh. Tác phẩm văn học Tây du ký với chất lượng đỉnh cao được đứng trong bộ tứ tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học cổ điển Trung Hoa, cùng Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Khởi quay từ năm 1982, đến năm 1988 phim mới hoàn thành. Năm 1986, Đài truyền hình Trung Quốc CCTV bắt đầu chiếu phim vì thế phiên bản này thường lấy tên là Tây du ký 1986.

Tây du ký bắt nguồn từ một câu chuyện có thật: Nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông tên là Trần Huyền Trang, năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Ông ra đi từ năm 629 đến năm 645 mới về Trung Quốc, tổng cộng là 17 năm; trong đó, có 6 năm tu học ở chùa Na Lan Đà - một trung tâm Phật giáo hồi bấy giờ. Khi về nước, ông phải dùng tới 24 ngựa tải 657 bộ kinh Phật.
Câu chuyện có thật đó vốn đã mang màu sắc huyền thoại, được truyền tụng rộng rãi trong dân gian và được thần thoại hóa. Ngô Thừa Ân tuy là người tập hợp và “gia công” cuối cùng, nhưng với ngòi bút sáng tạo, tác phẩm của ông không những có dung lượng đồ sộ, mà tư tưởng gửi gắm được nâng cao, hình tượng nhân vật sống động, văn phong uyển chuyển, nhất quán.
Nhiều học giả cho rằng hình ảnh kết hợp giữa thầy trò Tam Tạng ẩn giấu một khái niệm về tâm. Mỗi nhân vật từ thầy trò Đường Tăng cho đến con ngựa đều biểu trưng cho một đặc tính thường thấy của nhân tâm.

Bộ phim ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, từ thập kỉ 1980 - thời mà kỹ xảo điện ảnh còn thô sơ lạc hậu. Bộ phim khi đó được đầu tư 6 triệu nhân dân tệ, là một khoản tiền rất lớn khi đó nhưng cũng không đủ trang trải cho toàn bộ phim, các diễn viên chỉ nhận thù lao mang tính tượng trưng, rất ít ỏi so với công sức họ bỏ ra. Diễn viên và nhân viên hậu trường khi đó không có sự phân biệt, lúc đoàn di chuyển, diễn viên cũng phải phụ khuân vác, và lúc thiếu diễn viên, nhân viên hậu trường cũng được huy động xuất hiện trước ống kính.
Suốt hơn 30 năm qua, phim được phát sóng lại rất nhiều lần, mỗi lần đều được cả người lớn và trẻ em háo hức đón xem. Có thể nói, bản phim Tây du ký 1986 đã sống mãi với thời gian, luôn ở trong kí ức của nhiều thế hệ khán giả.

Những cảnh quay cần đông diễn viên quần chúng như bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn, cảnh chư vị thần tiên tụ hội trên thiên đình... đều phải huy động cả nhân viên hậu trường tham gia đóng. Dù những cảnh quay khó được thực hiện trong phim trường với phông màn xanh để thực hiện những kỹ xảo rất hạn chế, nhưng cảnh quay trong Tây du ký 1986 vẫn luôn là điển hình mẫu mực cho các phiên bản phim về sau. Đã có nhiều đoàn làm phim, đã có nhiều đơn vị sản xuất không tiếc tiền đầu tư vào công nghệ kỹ xảo hoành tráng khi làm lại bộ phim Tây du ký, nhưng chưa có phiên bản nào để lại cho khán giả nhiều cảm xúc như Tây du ký 1986.

Do không có diễn viên đóng thế và vì các cử chỉ, điệu bộ của Tôn Ngộ Không rất khó bắt chước nên đa phần các cảnh quay bay lượn trên không bằng cáp, Lục Tiểu Linh Đồng đều phải tự mình thực hiện và ông cũng là người bị tai nạn nhiều nhất trong đoàn. Trường đoạn Hồng Hài Nhi dùng Tam Muội Chân Hỏa để đốt, đạo diễn đã cho lửa cháy lớn khiến Tôn Ngộ Không bị bỏng nặng phải nằm viện 3 tháng. Ngoài ra, Lục Tiểu Linh Đồng còn nhiều lần bị thương do đứt dây cáp.
Bằng phương pháp thủ công mà bộ phim kinh điển Tây du ký vẫn được hoàn thành xuất sắc, điều đó đã trở thành niềm tự hào của giới làm phim Trung Quốc, và còn là bệ phóng đánh dấu bước tiến mới trong quá trình phát triển của truyền hình Trung Quốc.

Phim Tây du ký quay ngoại cảnh xuyên suốt Trung Quốc từ Bắc chí Nam và sang cả Thái Lan ghi hình. Lúc bấy giờ, một bộ phim quay ngoại cảnh tại nước ngoài được xem là sự kiện đình đám. Phần ngoại cảnh tuyệt đẹp trong Tây du ký đã góp phần không nhỏ làm nên thành công cho bộ phim. Những chốn bồng lai tiên cảnh, non nước hữu tình đã khỏa lấp phần kỹ xảo lạc hậu.
Thành công của Tây du ký 1986 còn nằm ở các ca khúc của phim với 20 ca khúc và 30 khúc hòa tấu. Các nhạc phẩm được sử dụng trong phim đã để lại ấn tượng sâu đậm cho người xem và trở thành những ca khúc bất hủ được nhiều thế hệ yêu thích. Ca từ có thể chưa hiểu rõ nhưng giai điệu của các ca khúc đều nhẹ nhàng, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Đáng nhớ nhất là Tự Khúc – bản hòa tấu chủ đề cho phần trailer giới thiệu ở đầu phim, bài hát Cảm vấn lộ tại hà phương (Đường chúng ta đi hay Đường dưới chân ta) ở cuối phim, bài hát tha thiết trong tập Tây Lương nữ quốc hay ca khúc Thiên Trúc thiếu nữ... đều trở thành những giai điệu nổi tiếng.
Với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam, mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện, mỗi giai điệu của phim Tây du ký đều gợi nhớ những ký ức, những kỷ niệm không quên của một thời thơ ấu.
Phim được phát sóng 20h hàng ngày trên VTV2, bắt đầu từ 3/7/2017. Mời quý vị và các bạn chú ý đón xem.

tin mới cập nhật
Ga-ra hạnh phúc 09:49 SA | 27.07.2022
Chạy trốn thanh xuân 10:08 SA | 19.11.2018
Đã lâu không gặp 05:35 CH | 15.10.2018
Hạ chí chưa tới 10:53 SA | 09.08.2018
Hạnh phúc bên nhau 01:59 CH | 28.03.2018
Tình yêu đong đầy 02:26 CH | 13.02.2018